Có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng khi nhắc tới VinGroup, “hi tech” sẽ không phải là cụm từ đầu tiên được nhiều người nghĩ đến. Bất động sản, thương mại, dịch vụ… mới là các lĩnh vực làm nên tên tuổi – và khoản trị giá thị trường 10 tỷ USD – cho VinGroup.
Nhưng trong tuyên bố gây sốc của ngày hôm nay, tập đoàn số 1 Việt Nam muốn thay đổi suy nghĩ này. Thông cáo báo chí của VinGroup có đoạn: Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ – Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Ít ai biết rằng có những tập đoàn công nghệ mang tầm cỡ quốc gia cũng khởi đầu theo cách tương tự. Nokia khởi đầu là một xưởng gỗ. Nintendo bán lá bài. Nhà sáng lập Koo In-hwoi của LG ban đầu khởi nghiệp bằng mỹ phẩm: kem bôi “Lucky” sau này sẽ kết hợp với radio “Goldstar” để tạo thành “Lucky Goldstar” – tên gọi cũ của LG.
Đúng vậy, khởi nghiệp bằng các ngành nghề khác rồi dấn thân vào công nghệ không phải là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng trong tất cả các tên tuổi ấy, có một cái tên chắc chắn sẽ khơi gợi cho VinGroup nhiều cảm hứng nhất: Samsung.
Bởi Samsung cũng không hề khởi nghiệp bằng công nghệ. Năm 1938, nhà sáng lập Lee Byung-chull thành lập một công ty mua bán nhỏ có tên gọi “Samsung” – ba sao. Chỉ với cá khô, mỳ và rau quả, ông Lee xây dựng cửa hàng của mình lên tới tầm cỡ 40 người trước khi tiêu tán gia sản vì Chiến tranh Triều Tiên. Khi cuộc chiến đi qua, ông Lee lại khởi nghiệp một lần nữa, lần này là để thành lập một nhà máy tinh luyện đường. Tiếp đến, Lee Byung-chul lại thành lập một nhà máy sản xuất sợi len.
Thành công ban đầu cho phép Samsung mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác. Đến cuối thập niên 1960, dưới sự khuyến khích của nhà độc tài Park Chung-hee, các công ty Hàn Quốc mới bắt đầu phát triển vào lĩnh vực công nghệ. Từ TV đến radio, di động và chip, Samsung dần dần xây dựng vị thế thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Nếu như khởi điểm của Samsung là một tiệm bán thực phẩm, khởi điểm của VinGroup là nhà hàng “Thăng Long” của ông Phạm Nhật Vượng tại Kharkov, Ucraina. Nhà hàng này và chuỗi nhà máy sản xuất mỳ ăn liền sau này là tiền đề cho các sản phẩm khác của Vingroup như các trung tâm thương mại, các khu bất động sản đắt đỏ.
Trong tuyên bố trở thành công ty “công nghệ chiếm tỷ trọng chính” ngày hôm nay, VinGroup đề ra một loạt các kế hoạch mang nhiều điểm tương đồng với gã khổng lồ Hàn Quốc:
Hiển nhiên, VinGroup sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với Samsung. Ví dụ, sở dĩ công ty Hàn Quốc đang làm chủ thị trường chip là nhờ vào quyết định đúng đắn của chủ tịch Lee Kun-hee vào thập niên 1980, khi Samsung lội ngược dòng trước các đối thủ Nhật Bản lúc đó đang làm mưa làm gió trong lĩnh vưc bán dẫn. Hiện tại, đầu tư vào chip sẽ là tự sát.
Nhưng VinGroup cũng đang hướng tầm nhìn đến các lĩnh vực có vai trò quan trọng không kém gì những con chip: dữ liệu lớn (Big Data) và trí thông minh nhân tạo (AI). Nếu như những con chip là thành phần bắt buộc cho các cuộc cách mạng công nghệ từ năm 80 cho đến nay, Big Data và AI hứa hẹn cách mạng hóa bất kỳ một lĩnh vực nào khác mà chúng chạm tay tới: bán lẻ, sản xuất, quản trị, y tế, giáo dục v…v…
Câu hỏi còn lại là tiềm năng này sẽ đưa VinGroup đi đến đâu? Liệu tiềm lực khổng lồ từ các mảng kinh doanh khác có giúp VinGroup khai thác thành công chất xám của người Việt, đưa chúng ta vươn lên trong những lĩnh vực đang bị bỏ xa bởi các đối thủ toàn cầu hay không?
Trí thức trẻ
16/08/2018
04/05/2018
26/04/2018
21/04/2018