Tỉ lệ người mắc bệnh mãn tính tăng dần, trong đó bệnh tai – mũi – họng chiếm 83,3%
Tại các khu công nghiệp (KCN), do công nghệ sản xuất lạc hậu, mặt bằng sản xuất không hợp lý, việc kiểm soát môi trường không được chú ý nên mức độ ô nhiễm từ rất nhiều đến nghiêm trọng. Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Vân Trình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (BHLĐ) VN, tại khóa huấn luyện về quản lý an toàn và sức khỏe lao động trong ngành da giày VN do Phòng Thương mại Công nghiệp VN và Diễn đàn Quốc tế các chủ doanh nghiệp thuộc Vương quốc Anh tổ chức từ ngày 29 đến 31-8 tại TPHCM.
Qua khảo sát, điều tra của Viện BHLĐ VN ở 114 cơ sở sản xuất tại 20 KCN cho thấy: Mức độ ô nhiễm về nhiệt khá nghiêm trọng; mức độ ô nhiễm về bụi tuy không lớn nhưng tỉ lệ hạt lơ lửng cao cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên đa số công nhân bị các bệnh nghề nghiệp; ô nhiễm về hơi khí độc, đặc biệt các loại khí độc như Cl2, NH3, H2S trong các cơ sở chế biến thực phẩm và đông lạnh vượt quá 6 lần tiêu chuẩn cho phép. Riêng về mức độ ô nhiễm tiếng ồn và các tia bức xạ có hại tại một số KCN như Biên Hòa I, Biên Hòa II khá nghiêm trọng.
Từ thực trạng môi trường làm việc như trên, qua ba năm liên tục khảo sát về sức khỏe người lao động (NLĐ) sau giờ làm việc của Viện BHLĐ VN, số người cảm nhận sức khỏe còn tốt chỉ 5,57%, bình thường 27,5%, cảm thấy mệt chiếm đa số (62,5%) và rất mệt chiếm 4,13%. Tỉ lệ đau nhức cơ thể sau giờ làm việc xuất hiện nhiều sau 2 năm làm việc và tăng nhanh theo thời gian. Tỉ lệ người mắc bệnh mạn tính cũng tăng dần, trong đó, các bệnh về tai mũi họng chiếm 83,3% sau 15-20 năm làm việc.
Theo tiến sĩ Lê Vân Trình, để khắc phục, cần thiết kế quy hoạch hợp lý, ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy, tổ chức tốt hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và hoàn thiện các giải pháp về công nghệ sản xuất, kỹ thuật an toàn vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, theo dõi điều trị các bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Đồng thời, cần xây dựng chương trình quốc gia về ATVSLĐ, tăng cường vai trò và năng lực quản lý của ban quản lý các KCN, nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ sạch và cải thiện môi trường sản xuất cho các cơ sở sản xuất trong các KCN. Ông Trình cũng đề nghị tạo cơ chế khuyến khích các nguồn đầu tư, tiến tới xây dựng Quỹ Bảo vệ môi trường.
(Theo báo Người Lao Động)
Không nên bỏ qua Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường lao động và Epoxy và lợi ích bảo vệ sức khỏe người lao động